Địa chỉ: huyện Đăk Đoa - Gia Lai
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị trực tuyến chuyên đề về dạy học trực tuyến ứng phó với dịch Covid-19 năm học 2021-2022

Chiều ngày 23/11/2021, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội nghị trực tuyến nhằm đánh giá tình hình dạy học trực tuyến ứng phó với dịch Covid-19 năm học 2021-2022. Với quy mô 01 điểm cầu trung tâm tại Sở GDĐT và 80 điểm cầu thành viên tại các phòng GDĐT, các trường phổ thông thuộc và trực thuộc Sở, 13 điểm cầu tại các Trung tâm GDNN và GDTX.Chiều ngày 23/11/2021, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội nghị trực tuyến nhằm đánh giá tình hình dạy học trực tuyến ứng phó với dịch Covid-19 năm học 2021-2022. Với quy mô 01 điểm cầu trung tâm tại Sở GDĐT và 80 điểm cầu thành viên tại các phòng GDĐT, các trường phổ thông thuộc và trực thuộc Sở, 13 điểm cầu tại các Trung tâm GDNN và GDTX.

Đồng chí Lê Duy Định, TUV, Giám đốc Sở GDĐT tham dự và chủ trì Hội nghị. Lãnh đạo Sở còn có ông Nguyễn Văn Long, Phó Giám đốc Sở GDĐT. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Sở GDĐT (Phòng Giáo dục Mầm non và Giáo dục Tiểu học, Phòng Kế hoạch và Tài chính, Phòng Quản lý chất lượng và Giáo dục chuyên nghiệp), lãnh đạo và chuyên viên của Phòng Giáo dục Trung học, Giáo dục Chính trị và Giáo dục Thường xuyên.

 

Ông Lê Duy Định, TUV, Giám đốc Sở GDĐT chủ trì Hội nghị (Ảnh chụp trực tiếp tại điểm cầu trung tâm)

Tại điểm cầu thành viên có đại diện lãnh đạo 17 phòng GDĐT và chuyên viên phụ trách các cấp học TH, THCS và đại diện một số Hiệu trưởng trường TH, THCS trên địa bàn. Điểm cầu tại các trường THPT thuộc và trực thuộc Sở gồm Hiệu trưởng, các Phó Hiệu trưởng, các Tổ trưởng chuyên môn và giáo viên của nhà trường. Điểm cầu Trung tâm GDTX tỉnh, Trung tâm GDNN-GDTX các huyện có lãnh đạo trung tâm và các tổ trưởng chuyên môn tham dự Hội nghị.

Mục đích của Hội nghị là nhằm đánh giá tình hình tổ chức dạy học trực tuyến ứng phó với dịch Covid-19 và định hướng triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp về tổ chức dạy học trực tuyến ứng phó với dịch Covid-19 năm học 2021-2022 trong các cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên.

Tại Hội nghị, ông Hà Ngọc Dư, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Giáo dục Chính trị và Giáo dục Thường xuyên đã báo cáo tóm tắt về tình hình tổ chức dạy học trực tuyến ứng phó với dịch Covid-19 năm học 2021-2022.

Ông Hà Ngọc Dư - Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Giáo dục Chính trị và Giáo dục Thường xuyên báo cáo tóm tắt tại Hội nghị (Ảnh chụp trực tiếp tại điểm cầu trung tâm)

Phát biểu chỉ đạo, trao đổi tại Hội nghị, Giám đốc Lê Duy Định đã biểu dương những ưu điểm, thuận lợi trong công tác tổ chức dạy học trực tuyến, đó là: Song song với những chỉ đạo kịp thời từ Bộ GDĐT tại các văn bản: Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT ngày 30/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên;  Công điện số 905/CĐ-BGDĐT ngày 10/9/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tổ chức dạy học ứng phó diễn biến dịch Covid-19; Công văn số 4096/BGDĐT-CNTT ngày 20/9/2021 về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ ứng dụng CNTT và thống kê giáo dục năm học 2021-2022 (đề cập các phần mềm dạy học trực tuyến); Công văn số 4808/BGDĐT-GDTrH ngày 21/10/2021 về việc thực hiện các biện pháp củng cố, tăng cường chất lượng dạy và học khi học sinh trở lại trường học tập; các Công văn số 3969/BGDĐT-GDTH ngày 10/9/2021, Công văn số 4040/BGDĐT-GDTrH ngày 16/9/2021, Công văn số 4135/BGDĐT-GDTX ngày 21/9/2021 về việc hướng dẫn thực hiện chương trình GDPT ứng phó với dịch Covid-19 năm học 2021-2022. Sở GDĐT đã chủ động chỉ đạo triển khai thực hiện kịp thời các quy định. Qua quá trình tổ chức thực hiện, Sở GDĐT luôn nhận được sự chỉ đạo kịp thời của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh đã có nhiều giải pháp quyết liệt, kịp thời để phòng, chống dịch Covid-19 được nhân dân đồng tình, ủng hộ; ngành Y tế phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, chủ động, khắc phục khó khăn trong phòng, chống dịch. Việc triển khai tiêm chủng vắc xin được thực hiện có hiệu quả, đúng tiến độ. Nhờ đó mà tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh tuy có diễn biến phức tạp nhưng luôn trong tầm kiểm soát, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức linh hoạt các hình thức dạy học. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng, những chỉ đạo, linh hoạt để ngành Giáo dục tỉnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp dạy học ứng phó với dịch Covid-19 năm học 2021-2022.

- Nhiều cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh đã rất tích cực, chủ động, sáng tạo, nỗ lực khắc phục khó khăn để tổ chức dạy học trực tuyến kịp thời, đáp ứng cơ bản các yêu cầu quy định về dạy học trực tuyến góp phần đảm bảo an toàn trong tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

- Việc dạy và học trực tuyến được các đơn vị triển khai kịp thời và đúng yêu cầu do đã được chuẩn bị kỹ và luôn chủ động. Số lượng học sinh tham gia học tập trực tuyến ngày càng tăng, phụ huynh học sinh đã xác định việc học trực tuyến là giải pháp tốt nhất để có thể ứng phó với diễn biến của tình hình dịch Covid-19.

- 100% cơ sở giáo dục đã xây dựng Kế hoạch dạy học và hoàn thành chương trình đúng tiến độ (tuần 11 của năm học).

- Nhiều đơn vị trường học đã có những giải pháp đột phá: Tổ chức dạy và học kết hợp (trực tiếp và trực tuyến) đã giải quyết được những vấn đề nảy sinh như: Học sinh không thể đến lớp; giáo viên không thể đến lớp; học sinh không có thiết bị học trực tuyến; tình huống bắt buộc giãn cách học sinh phải chia đôi lớp học,… đồng thời giải quyết “bài toán” học sinh, giáo viên bị kẹt tại các đơn vị khác.

Quang cảnh điểm cầu trung tâm tại Sở GDĐT

Bên cạnh kết quả đạt được, Giám đốc Sở GDĐT Lê Duy Định đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế bất cập cần khắc phục đó là: Chất lượng đường truyền Internet nhiều nơi, nhiều lúc chưa ổn định, nhất là vùng sâu, vùng xa. Nhiều gia đình học sinh còn khó khăn về kinh tế, có nhiều con cùng đang học phổ thông dẫn tới học sinh không đủ thiết bị học tập, phải học chung hoặc học trực tuyến bằng điện thoại. Tỷ lệ học sinh phổ thông có thiết bị hỗ trợ học trực tuyến: 115.020/329.481 (34,91%); trong đó: THPT: 35.621/52.992 (67,22%); Tiểu học và THCS: 79.399/276.489 (28,72%). Học sinh phổ thông chưa có thiết bị để học trực tuyến cần hỗ trợ: 214.461/329.481 (65,09%). Một số giáo viên chưa thực sự thuần thục với các ứng dụng dạy học trực tuyến, chất lượng máy tính của nhiều giáo viên còn hạn chế; việc soạn giảng để dạy học trực tuyến không giống dạy học trực tiếp, do đó đòi hỏi giáo viên phải có sự nghiên cứu, đầu tư và đổi mới trong soạn giảng; quá trình dạy học, giáo viên không được trực tiếp tiếp xúc với học sinh như trên lớp cũng ảnh hưởng tới việc truyền cảm hứng cho học sinh; việc kiểm tra đánh giá trực tuyến, công tác quản lý dạy học trực tuyến gặp một số khó khăn. Ngoài ra, một số giáo viên và học sinh còn bị mắc kẹt tại các địa phương; một số cơ sở giáo dục phải bàn giao cho cơ quan chức năng làm khu cách ly tập trung; một số phụ huynh có tâm lý chủ quan trong phòng, chống dịch; địa bàn của tỉnh rộng, nhiều nơi thưa dân cư, nhiều học sinh có nhà ở cách xa trường.

Trong phần tham luận, thảo luận, phát biểu ý kiến, các đại biểu tham dự Hội nghị tán thành và nhất trí cao với nội dung đánh giá trong báo cáo.

Nhiều tham luận có chất lượng cao, những ý kiến phát biểu có chiều sâu, đi vào trọng tâm nhằm phát huy những mặt tích cực trong công tác dạy học trực tuyến ứng phó với dịch Covid-19 năm học 2021-2022 đồng thời tìm cách khắc phục, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong dạy học trực tuyến, nhiều giải pháp hay, ý kiến mới được nêu ra trong Hội nghị. Đại diện lãnh đạo Phòng GDĐT huyện Chư Sê, thầy Lê Tuấn Nhu phát biểu tham luận đầu tiên với đề tài “Phòng GDĐT Chư Sê chủ động triển khai dạy học trực tuyến ở cấp Tiểu học ứng phó với dịch Covid-19 năm học 2021-2022”. Tiếp theo là 04 tham luận khác của các đơn vị: Phòng GDĐT thành phố Pleiku (Công tác chỉ đạo, quản lý dạy học trực tuyến của Phòng GDĐT thành phố Pleiku), Trường THPT Phan Bội Châu (Việc tổ chức dạy học kết nối trực tiếp với trực tuyến ứng phó với dịch Covid-19 năm học 2021-2022), Trường THPT Trường Chinh (Tổ chức dạy học trực tuyến, kết nối giữa dạy học trực tiếp và dạy học trực tuyến), Trường THPT Dân tộc Nội Trú Đông Gia Lai (sử dụng phần mềm MS Teams để dạy và học trực tuyến trong bối cảnh dịch Covid-19. Kết thúc là tham luận thứ 06 do đại diện lãnh đạo Trường THPT Lê Lợi phụ trách (Kiểm tra đánh giá thường xuyên trong dạy học trực tuyến ứng phó với dịch Covid-19).

Tham dự hội nghị, phát biểu chỉ đạo về chuyên môn, ông Nguyễn Văn Long- Phó Giám đốc nói: “Trong dạy học trực tuyến, muốn có hiệu quả cao, cần có kết nối đường truyền tốt, phần mềm dạy học hiện đại, phù hợp với cơ sở giáo dục và yếu tố con người (giáo viên, học sinh và phụ huynh). Nếu một trong ba yếu tố đó yếu đi thì dạy học trực tuyến chưa đảm bảo tốt. Vì vậy, các cơ sở giáo dục cần lựa chọn đường truyền tốt, lựa chọn phần mềm dạy học hợp lý, dễ sử dụng, công tác kiểm tra đánh giá chính xác, công bằng... thì dạy học trực tuyến mới đạt hiệu quả cao”.

Ông Nguyễn Văn Long- Phó Giám đốc Sở GDĐT phát biểu chỉ đạo chuyên môn (Ảnh chụp trực tiếp tại điểm cầu trung tâm)

 

Phát biểu chỉ đạo kết luận tại Hội Nghị, Giám đốc Sở GDĐT Lê Duy Định đã đánh giá cao chất lượng các tham luận của 06 đơn vị, nhắc nhở, lưu ý trong thời gian tới tình hình dịch bệnh Covid-19 dự báo còn diễn biến phức tạp, các cơ sở giáo dục cần tập trung thực hiện tốt những nội dung sau:

Một là, tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định tại Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT, trong đó cần tập trung các nội dung: Dạy học trực tuyến phải đảm bảo mục đích và nguyên tắc được quy định tại Điều 3 và Điều 4. Tổ chức dạy học trực tuyến phải đảm bảo quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7 và Điều 8. Hạ tầng kỹ thuật dạy học trực tuyến phải đảm bảo quy định tại Điều 9 và Điều 10. Trách nhiệm quản lý của các CSGDPT, giáo viên, nhân viên và học sinh phải đảm bảo theo quy định tại Điều 15, Điều 16 và Điều 17. Quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phần mềm tổ chức và quản lý dạy học trực tuyến, …sẵn sàng tình huống tổ chức dạy học trực tuyến, phát huy hiệu quả mô hình dạy và học kết hợp (trực tiếp và trực tuyến).

Hai là, bám sát sự chỉ đạo của Bộ GDĐT và UBND tỉnh, tổ chức thực hiện linh hoạt, an toàn, sát thực tế, có hiệu quả; quyết tâm hoàn thành tốt kế hoạch giáo dục năm học 2021-2022. Tiếp tục tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cho toàn thể CB, GV, NV và HS nhà trường; kịp thời chuyển đổi hình thức dạy học linh hoạt phù hợp với diễn biến thực tế dịch bệnh.

Ba là, có kế hoạch chỉ đạo các tổ chuyên môn rà soát, đánh giá, phân loại kết quả học tập trực tuyến của các nhóm đối tượng HS để điều chỉnh kế hoạch giáo dục của nhà trường phù hợp điều kiện thực tế và tình hình kiểm soát dịch Covid-19 tại địa phương. Triển khai tập huấn dạy học trực tuyến cho tất cả đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên theo từng môn học trên cơ sở tiếp thu từ đợt tập huấn của Bộ GDĐT, của Sở GDĐT.

Bốn là, chủ động rà soát, đánh giá, phân loại kết quả học tập trực tuyến của các nhóm đối tượng học sinh để điều chỉnh kế hoạch giáo dục của nhà trường phù hợp với điều kiện thực tế và tình hình kiểm soát dịch Covid-19 tại địa phương. Khi học sinh mới trở lại trường học, nhà trường tổ chức tư vấn, hỗ trợ tâm lý, hướng dẫn thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh chuyển trạng thái từ học trực tuyến sang học tập trực tiếp tại trường. Tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh có điều kiện học trực tuyến; dạy bổ sung những nội dung kiến thức còn thiếu kết hợp với ôn tập, củng cố nội dung kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh không có điều kiện học trực tuyến, học sinh chuyển trường do phải di chuyển nơi cư trú để phòng, tránh dịch bệnh; sử dụng hiệu quả thời gian học sinh được đến trường để tiếp tục tổ chức dạy học trực tiếp các nội dung cơ bản, cốt lõi theo các văn bản hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ GDĐT phù hợp với điều kiện của nhà trường và đối tượng học sinh, tránh gây áp lực, quá tải đối với học sinh.

Năm là, phát huy tinh thần trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, chia sẻ khó khăn, hết lòng vì học sinh, các thầy, cô giáo cần hướng dẫn tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức cho các đối tượng học sinh bảo đảm chất lượng; không thu thêm kinh phí để tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung kiến thức cho học sinh.

Sáu là, tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện các phương pháp dạy học tích cực phù hợp với các nhóm đối tượng nhằm phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, theo đó chú trọng vai trò tổ chức, kiểm tra, định hướng hoạt động học chủ động, tích cực, tự lực của học sinh; học sinh là chủ thể hoạt động học tập theo hướng dẫn của giáo viên để khám phá, chiếm lĩnh và vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Qua đó, trong mỗi bài học, giáo viên có điều kiện hỗ trợ, kiểm tra, đánh giá quá trình và kết quả học tập phù hợp với các đối tượng học sinh trong lớp học; bố trí thời gian hợp lý để hỗ trợ, bù đắp nội dung kiến thức còn thiếu ngay trong từng bài học cho những học sinh gặp khó khăn trong học tập, nhất là những học sinh gặp khó khăn về điều kiện học trực tuyến trong thời gian phải tạm dừng đến trường.

Bảy là, duy trì tổ chức dạy học trực tuyến phù hợp với kế hoạch tổ chức dạy học trực tiếp, cụ thể: đối với các trường cho học sinh đi học bình thường, tiếp tục sử dụng hệ thống học liệu dạy học trực tuyến hỗ trợ dạy học trực tiếp; đối với các trường chia nhóm cho học sinh đến trường học tập, tổ chức dạy học trực tuyến thay thế dạy học trực tiếp với các nội dung phù hợp để bảo đảm tiến độ thực hiện chương trình. Tiếp tục xây dựng các video bài giảng hỗ trợ dạy học trực tuyến giúp học sinh có thể tự học để giảm thời gian tổ chức dạy học trực tuyến trực tiếp và phát triển năng lực tự học cho học sinh theo hướng dẫn tăng cường năng lực dạy học trực tuyến của Bộ GDĐT.

Tám là, tăng cường phối hợp với cha mẹ học sinh trong việc hỗ trợ, đồng hành cùng học sinh học tập trực tuyến bảo đảm an toàn cho học sinh khi sử dụng các thiết bị điện tử (máy tính, điện thoại, thiết bị học trực tuyến,…) và an toàn thông tin trên môi trường mạng; phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh để tổ chức và quản lý học sinh học tập ở nhà, ở trường cũng như việc đi lại hằng ngày từ nhà đến trường và từ trường về nhà, thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.

Chín là, chủ động xây dựng các kịch bản dạy học, giải pháp ứng phó với tình huống dịch Covid-19 dự báo còn có thể kéo dài và diễn biến phức tạp; giúp các cơ sở giáo dục thực hiện tốt việc dạy và học trong các trạng thái của dịch Covid-
19; tổ chức dạy và học đảm bảo thực hiện kế hoạch thời gian năm học của Bộ GDĐT; tận dụng tối đa thời gian tổ chức dạy học trực tiếp khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Trường hợp dịch Covid-19 diễn biến phức tạp không thể tổ chức dạy học trực tiếp thì tổ chức dạy học trực tuyến để hoàn thành kế hoạch năm học, bảo đảm chất lượng giáo dục trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-
19 với phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”.

Mười là, việc kiểm tra, đánh giá định kì theo hình thức trực tiếp tại trường cần được thực hiện sau một thời gian học sinh đã được ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức. Trong quá trình kiểm tra, đánh giá, nhất là kiểm tra đánh giá bằng hình thức trực tuyến không nên để xảy ra tình trạng bất thường (điểm quá cao hay điểm quá thấp).

 

Ông Lê Duy Định, Giám đốc Sở GDĐT phát biểu kết luận Hội nghị (Ảnh chụp trực tiếp tại điểm cầu trung tâm)

Sau đây là một số hình ảnh của đại diện phòng GDĐT các huyện, thị xã, thành phố và các cơ sở giáo dục phát biểu tham luận:

 

Thầy Lê Tuấn Nhu - đại diện lãnh đạo Phòng GDĐT Chư Sê phát biểu tham luận (Ảnh chụp qua màn hình)

Thầy Nguyễn Văn Bảy- đại diện lãnh đạo Phòng GDĐT Pleiku phát biểu tham luận (Ảnh chụp qua màn hình)

Cô Mai Thị Tám - đại diện lãnh đạo Trường THPT Phan Bội Châu phát biểu tham luận (Ảnh chụp qua màn hình)

Cô Nguyễn Thị Huệ - đại diện lãnh đạo Trường THPT Trường Chinh phát biểu tham luận (Ảnh chụp qua màn hình)

Cô Nguyễn Thị Ngọc Uyên - lãnh đạo Trường THPT Lê Lợi phát biểu tham luận (Ảnh chụp qua màn hình)

 

Bài và ảnh: Phòng Giáo dục Trung học, Giáo dục Chính trị và Giáo dục Thường xuyên, Sở GDĐT.


Tổng số điểm của bài viết là: 13 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết